Trung Quốc có thể ‘đạt’ mức kỷ lục mới: Vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 4,1 nghìn tỷ USD.

Không chỉ hệ thống ngân hàng đang rạn nứt, sự phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc đang mở ra một giai đoạn mới nguy hiểm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 4,1 nghìn tỷ USD của quốc gia này; trong đó có khoảng 3,65 nghìn tỷ nhân dân tệ (529 tỷ USD) trái phiếu đáo hạn vào cuối năm nay.

Với nền kinh tế hiện vẫn còn quá yếu để “giải cứu” những người đi vay gặp khó khăn nhất, một số nhà quản lý quỹ đầu tư Trung Quốc đang chuẩn bị cho các vụ vỡ nợ nội địa của quốc gia này lên mức cao kỷ lục trong năm nay.

Trung Quốc đối mặt với nguy cơ các vụ vỡ nợ nội địa

Các khoản nợ trễ hạn đã bắt đầu gia tăng sau một quý II/2020 “bình lặng bất thường” và áp lực đối với người đi vay sẽ tăng lên; khi 3,65 nghìn tỷ nhân dân tệ (529 tỷ USD) trái phiếu đáo hạn vào cuối năm nay.

Trong khi ít người nhận ra rằng tình trạng khủng hoảng đang diễn ra, các chuyên gia nợ tại SC Lowy và Adamas Asset Management đang trở nên “khắt khe” hơn với Trung Quốc, khi họ đánh giá rằng “sự bình tĩnh giả tạo” do chính phủ tạo ra trên thị trường tín dụng địa phương khó có thể kéo dài.

Các nhà phân tích cho rằng các công ty ngoài quốc doanh, các nhà phát triển bất động sản (BĐS) chất lượng thấp và một số công cụ tài chính của chính quyền địa phương là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do chi phí đi vay tăng cao và việc tái cấp vốn trở nên khó khăn hơn.

Brock Silvers, giám đốc đầu tư của Adamas Asset Management ở Hong Kong, cho biết: “Chính phủ không có đủ ‘hỏa lực’ và ý chí để ngăn chặn tất cả”.

Ông Silvers cho rằng các vụ vỡ nợ nội địa ở Trung Quốc sẽ đạt mức kỷ lục mới. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm 72,2 tỷ nhân dân tệ (10,1 tỷ USD) mất khả năng thanh toán vào cuối tháng 12/2020, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.

Các vụ vỡ nợ tại địa phương cho đến nay (trong năm nay) rất hiếm khi xảy ra, vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua ngay trong quý I/2020.

Các khoản nợ trong nước đã giảm 17% trong nửa đầu năm xuống còn 49 tỷ nhân dân tệ (6,86 tỷ USD), một phần do chính phủ khuyến khích các bên cho vay tái cấp vốn, chấp nhận trì hoãn thanh toán hoặc tìm các giải pháp khác như hoán đổi trái phiếu lấy trái phiếu mới có kỳ hạn dài hơn.

Một lập trường chính sách phù hợp với mục tiêu dài hạn của chính phủ là cải thiện khả năng định giá rủi ro của hệ thống tài chính. Các công ty Trung Quốc đã gia hạn 10,4 tỷ nhân dân tệ (1,46 tỷ USD) chứng khoán nợ vào tháng 7/2020, và một khoảng tương tự vào tháng 8 này, trong đó, công ty phát triển nhà cao cấp Tahoe nằm trong số những công ty gần đây không thể thanh toán nợ.

Liệu có phải Trung Quốc đang ảo tưởng đối với tình trạng ‘vỡ nợ’?

Owen Gallimore, trưởng bộ phận chiến lược tín dụng của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand tại Singapore, cho biết: “Chúng tôi đã thấy sự cải thiện có phần ảo tưởng đối với tình trạng ‘vỡ nợ’ trong năm nay, nhưng khi tìm hiểu sâu hơn bức tranh này thì tình hình không an toàn”.

Gallimore dự đoán thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc sẽ “bắt kịp” xu hướng nước ngoài, nơi các khoản nợ bằng USD vỡ nợ (do Bloomberg theo dõi) đã vượt 55% tổng số nợ năm ngoái.

Ông cho biết “căng thẳng về nguồn vốn” có thể sẽ tập trung vào những người vay ngoài quốc doanh và có thể ảnh hưởng đến nhiều công ty BĐS hơn, vốn chiếm phần lớn trong đợt phát hành trái phiếu có lợi suất cao của Trung Quốc.

Các nhà phát triển BĐS của quốc gia này cần phải tái cấp vốn hoặc trả 199,3 tỷ nhân dân tệ nợ trong nước và 12,3 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài trước cuối năm, theo dữ liệu từ Bloomberg.

Do đó, họ sẽ phải có nguồn tiền mặt, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn phát hành được đưa ra trong tháng này, hạn chế quy mô phát hành trái phiếu của các công ty BĐS trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc ở mức 85% dư nợ sắp đến hạn.

Ngay cả khi các nhà chức trách ngày càng khoan dung hơn với các vụ vỡ nợ, họ cũng không thể “tắt” hoàn toàn các “vòi cấp tín dụng”. Vào ngày 17/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bổ sung 700 tỷ nhân dân tệ tài trợ một năm thông qua cơ sở cho vay trung hạn (nhiều hơn mức bù đắp các kỳ hạn sắp tới) trong một động thái mà Citic Securities mô tả là “nới lỏng hơn dự kiến”.

Theo Soo Cheon Lee, Giám đốc đầu tư tại SC Lowy – một tập đoàn quản lý tài sản và ngân hàng toàn cầu tại Hong Kong, kết quả đạt được đối với các nhà đầu tư trái phiếu là việc lựa chọn chứng khoán (hiện quan trọng hơn nhiều so với hồi đầu năm nay).

Lee cho biết các công ty nhỏ hơn và những người đi vay đang gặp căng thẳng liên quan đến hàng hóa cơ bản/vật liệu hoặc rủi ro ngành – chẳng hạn như các hãng hàng không và khách sạn – sẽ vẫn chịu áp lực.

Chỉ trong tuần qua, các công ty bao gồm Sân bay Quốc tế Hải Khẩu Meilan, nhà điều hành tàu du lịch Genting Hong Kong và công ty cho thuê vận tải Bohai Leasing đã đưa ra những cảnh báo mới rằng họ có thể phải “vật lộn” để trả nợ cho các chủ nợ.

Ít nhất 10 công ty lớn Trung Quốc (vốn được sự chấp thuận của nhà đầu tư để trì hoãn việc trả nợ sau khi dịch virus bùng phát) sẽ phải đối mặt với thời hạn thanh toán trong 8 tháng tới; và ít nhất 83 công ty với 46,3 tỷ USD trái phiếu đang lưu hành sẽ đối mặt với rủi ro “không đáp ứng được các nghĩa vụ trả nợ” của họ- theo báo cáo công bố của các công ty này và các công ty xếp hạng tín nhiệm.

Hiện nay, số lượng người vay đã đạt mức cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi các số liệu vào tháng 1/2019.

Tỷ lệ nợ doanh nghiệp chịu lãi suất trên tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng 13 điểm phần trăm trong năm nay lên 164,4% vào cuối tháng 6/2020, theo Viện nghiên cứu quốc gia về Tài chính & Phát triển.

Các công cụ tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đang chồng chất nợ, và đã bán ra tương đương 361,1 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước kể từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, liệu họ có thể hoàn trả khoản tiền đó trong tháng này hay không, sau khi một Tổ chức tài chính địa phương (LGFV) từ tỉnh Cát Lâm chuyển tiền cho các “trái chủ” muộn hơn bình thường – một dấu hiệu cho thấy những khó khăn tiềm ẩn trong việc đảm bảo tiền mặt.

Theo Li Yuze, một nhà phân tích tại China Merchants Securities, Cát Lâm chỉ là một trong số các tỉnh của Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro trả nợ của LGFV (ở mức cao hơn). Li cho biết những nơi khác bao gồm Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, cũng đang đối mặt với rủi ro tương tự.

Liệu các nhà đầu tư có định giá thỏa đáng về “rủi ro vỡ nợ” tăng lên hay không vẫn còn điều gây tranh cãi. Lợi suất của các công ty trong nước đã tăng từ mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 5/2020, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn, theo chỉ số ChinaBond.

Chênh lệch giữa các khoản tín dụng (được xếp hạng thấp hơn và cao hơn) cũng ở gần cuối phạm vi của chúng.

“Chúng tôi cho rằng mức thanh khoản trên thị trường tín dụng sẽ tiếp tục, nhưng chúng tôi cần lưu ý rằng dòng tiền cơ bản và các yếu tố cơ bản của các công ty vẫn còn rất yếu. Chúng tôi thấy một bãi mìn ở đó”, Soo Cheon Lee – Giám đốc đầu tư tại SC Lowy, cho biết.

Theo ntdvn.com