Các chuyên gia không loại trừ khả năng thị trường đã chạm đáy dù dự báo đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 90 năm qua. Vẫn chưa ai biết câu trả lời chính xác, nhưng có một điều chắc chắn là thị trường đang rung lắc dữ dội.

Khủng hoảng và suy thoái là một phần tất yếu không thể tránh khỏi trong mọi chu kỳ kinh doanh, mặc dù mức độ nghiêm trọng khác nhau. Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra trong năm nay được dự báo sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng và tàn khốc nhất kể từ Đại suy thoái 1930. Và đương nhiên, đây là một tin không vui đối với thị trường chứng khoán!

Thông qua phân tích dữ liệu của 14 cuộc suy thoái tài chính vừa qua, các chuyên gia kinh tế Forbes đã giải đáp 4 câu hỏi quan trọng mà mọi nhà đầu tư trên thị trường đều đang tìm kiếm.

Mỗi cuộc suy thoái thường kéo dài bao lâu?

Mỗi giai đoạn suy thoái sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian khác nhau. Thời gian trung bình của 14 cuộc suy thoái vừa qua là 403 ngày (tương đương với 1,1 năm). Nếu không tính cuộc đại suy thoái 1930, thời gian trung bình của 13 cuộc suy thoái còn lại là 334 ngày (khoảng gần 1 năm).

Forbes: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và tàn khốc nhất 90 năm qua - Ảnh 1.

Biểu đồ 1: Thời gian của 14 cuộc suy thoái vừa qua (Nguồn: Forbes)

Trong khi đó, Đại suy thoái được coi là cơn khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay khi nó kéo dài 1.307 ngày (khoảng 3 năm rưỡi). Cuộc suy thoái ngắn nhất chỉ kéo dài 6 tháng và diễn ra vào năm 1980. Ngoại trừ Đại suy thoái 1930, các cuộc suy thoái khác kéo dài trong khoảng thởi gian từ 181 (cuộc suy thoái 1980) ngày đến 547 ngày (cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008).

Mất bao lâu để giá cổ phiếu chạm đáy trong mỗi cuộc suy thoái?

Giá trị cổ phiếu luôn có xu hướng giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái do hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn và lợi nhuận giảm. Hầu hết các cổ phiếu đều có xu hướng giảm chạm đáy trong nửa sau của mỗi cuộc suy thoái.

Forbes: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và tàn khốc nhất 90 năm qua - Ảnh 2.

Biểu đồ 2: Thời gian để thị trường chứng khoán chạm đáy (Nguồn: Forbes)

 

Biểu đồ 2 cho thấy thời gian để giá trị cổ phiếu giảm chạm đáy trong 14 cuộc suy thoái và phần trăm GDP giảm từ đỉnh xuống đáy. Dữ liệu về GDP được đưa vào để cho thấy mức độ nghiêm trọng của mỗi cuộc suy thoái.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2009, thị trường chứng khoán chạm đáy vào ngày 9 tháng 3 năm 2009 – tức là khi cuộc suy thoái đã đi tới 85% chặng đường. Ở chiều ngược lại, trong cuộc suy thoái sau thế chiến thứ II, chứng khoán giảm chạm đáy 22,2% suốt cả thời kỳ.

Theo số liệu thống kê, trung bình giá trị cổ phiếu giảm chạm đáy khi mỗi cuộc suy thoái đi được hơn 61% chặng đường. 8 trong tổng số 14 cuộc suy thoái vừa qua được chứng minh là thị trường chứng khoán chạm đáy vào nửa cuối giai đoạn. Vì vậy, có thể khẳng định rằng hầu hết các cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm chạm đáy vào giai đoạn cuối của mỗi cuộc suy thoái.

Thị trường chứng khoán mất bao nhiêu điểm sau mỗi cuộc suy thoái?

Câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư đã mất bao nhiêu kể từ khi mỗi cuộc suy thoái bắt đầu cho tới khi cổ phiếu giảm chạm đáy? Câu trả lời nằm ở biểu đồ số 3 dưới đây.

Forbes: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và tàn khốc nhất 90 năm qua - Ảnh 3.

Biểu đồ 3: Giá trị cổ phiếu giảm bao nhiêu phần trăm trong mỗi cuộc suy thoái (Nguồn: Forbes)

 

Biểu đồ trên cho thấy giá trị phần trăm sụt giảm tối đa của cổ phiếu khi thị trường chạm đáy và mức độ sụt giảm GDP tương ứng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, cổ phiếu đã giảm 50,8% trị giá kể từ khi bắt đầu (ngày 1 tháng 12 năm 2007) đến ngày 9 tháng 3 năm 2009.

Xét ở mức trung bình, giá trị cổ phiếu giảm khoảng 25,5% sau mỗi cuộc suy thoái. Nếu không tính cuộc Đại suy thoái 1930, con số này chỉ dừng lại ở mức 20,7%.

Và cuộc suy thoái do dịch bệnh năm 2020: Khi nào cổ phiếu sẽ chạm đáy?

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đạt đỉnh vào ngày 12 tháng 2 năm 2020 ở mức 29.551 điểm sau khi kết thúc phiên giao dịch. Tới ngày 23/3, giá trị của Dow Jones rơi tự do 37%. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu này đã tăng trở lại 32% (sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 29 tháng 4 năm 2020); tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn 20% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 2. Vậy Dow Jones đã giảm chạm đáy chưa? Đó đã phải là kết quả tồi tệ nhất hay chưa? Còn điều gì sắp diễn ra ở phía trước?

Rất tiếc, câu trả lời là Dow Jones chưa thể chạm đáy. Dựa trên dữ liệu từ 14 cuộc suy thoái vừa qua, các chuyên gia kinh tế của Forbes khẳng định điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Giả sử nếu cuộc suy thoái lần này kéo dài trong khoảng thời gian rất ngắn (khoảng 6 tháng) và nó bắt đầu tính từ ngày 1 tháng 4 năm 2020; thì thời gian chạm đáy sớm nhất của nó sẽ đến vào khoảng ngày 10 tháng 5 năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng thị trường đã chạm đáy dù dự báo đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 90 năm qua. Vẫn chưa ai biết câu trả lời chính xác, nhưng có một điều chắc chắn là thị trường đang rung lắc dữ dội.

FED: Người thay đổi cuộc chơi?

Khi muốn tăng hoặc giảm nguồn cung tiền, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thực hiện mua hoặc bán chứng khoán kho bạc giá trị cao. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trước sự ngạc nhiên của hầu hết các nhà đầu tư, Fed tăng cường mua vào các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Và lần này, Fed đang làm điều tương tự khi tung gói cứu trợ lớn mua trái phiếu do các địa phương phát hành, thậm chí kể cả các trái phiếu cấp thấp.

Động thái này được đánh giá là đã kịp thời cứu nguy sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế Mỹ. Fed tăng cường mua vào để thúc đẩy nhu cầu và tránh sự sụp đổ của các công ty yếu thế hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Fed có đủ tiền để bơm vào nền kinh tế và giúp nước Mỹ vượt qua nỗi đau dịch bệnh lần hay không?

Cuộc giằng co giữa hành động bơm tiền trợ giúp nền kinh tế của Fed và những rủi ro tiềm ẩn sau Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Rất có thể, Fed sẽ phải tung ra các gói cứu trợ mới và như vậy sẽ làm tăng nợ liên bang, lạm phát và thất nghiệp. Cuối cùng, Fed đang cố gắng trở thành người thay đổi cuộc chơi nhưng liệu cái giá phải trả là bao nhiêu? Và kết quả cuộc chơi sẽ như thế nào? Đây vẫn là một câu hỏi mở ở phía trước!

Theo CafeF