Mặc dù cơn khủng hoảng này không khiến cựu nhân viên ngân hàng lâm vào cảnh phá sản như nhiều gia đình khác. Theo chia sẻ, gia đình này vẫn mất một khoản tiền khá lớn và đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong những ngày tiếp theo.

Sam Dogen từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư với 13 năm kinh nghiệm. Sau đó, anh quyết định nghỉ hưu sớm ở tuổi 32 và thành lập blog quản lý tài chính cá nhân mang tên Financial Samurai. Sam nhận bằng Cử nhân kinh tế tại Đại học William & Mary và bằng MBA tại Đại học California ở Berkeley. Anh cũng là một cây bút quen thuộc trên các tạp chí tài chính lớn bao gồm Forbes, The Wall Street Journal, The Chicago Tribune và The L.A.Times.

Năm 2012, tôi quyết định nghỉ việc ở một ngân hàng đầu tư và về hưu sớm ở tuổi 34. Vài năm sau vợ tôi cũng nghỉ việc và quyết định nghỉ hưu sớm, vợ chồng tôi có khoản tài sản ròng trị giá 3 triệu USD.

Trong suốt 8 năm qua, thu nhập ròng của gia đình tôi bao gồm cổ tức từ cổ phiếu, tiền lãi tiết kiệm, trái phiếu đô thị và thu nhập từ việc cho thuê nhà vẫn tăng trưởng đều đặn. Và mọi thứ chỉ thay đổi khi cơn khủng hoảng tài chính mang tên Covid-19 ập đến.

Mặc dù cơn khủng hoảng này không khiến chúng tôi phải lâm vào cảnh phá sản như nhiều gia đình khác, vợ chồng tôi vẫn mất một khoản tiền khá lớn và đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong những ngày tiếp theo.

Dưới đây là những thiệt hại về tài chính mà Covid-19 đã mang tới cho tôi và gia đình chỉ trong 2 tháng vừa qua.

 

1. Chúng tôi đã mất hơn 600.000 USD

Khi chỉ số S&P 500 chạm đáy vào tháng 3, các danh mục đầu tư của tôi đều giảm hơn 30% và tôi thiệt hại khoảng 600.000 USD. Mặc dù tôi luôn duy trì một danh mục đầu tư bảo thủ (chiếm khoảng 20% giá trị ròng tài sản), nhưng việc mất hàng trăm ngàn đô la ở thời điểm hiện tại cũng là một cú sốc đau đớn.

Theo dự đoán của tôi, để có thể bù đắp cho thiệt hại to lớn đó, chỉ số S&P500 phải đạt mức tăng trưởng phục hồi từ 47% trở lên. Tất nhiên, điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu nền kinh tế hồi phục theo mô hình chữ “V” – khi đó suy thoái hồi đầu năm sẽ kết hợp với tăng trưởng nhảy vọt vào giai đoạn cuối năm sau khi Covid-19 được kiểm soát và ngăn chặn tốt hơn.

 

2. Kế hoạch quay trở lại công việc của tôi đã bị thay đổi

Kế hoạch nghỉ hưu sớm của gia đình tôi ban đầu sẽ chỉ có một đứa con – là cậu con đầu, hiện đã ba tuổi. Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh vào năm 2019: vợ tôi mang thai đứa con thứ hai. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng mọi chi phí sẽ tăng thêm sau khi chúng tôi đón đứa trẻ thứ 2, đặc biệt là ở một thành phố đắt đỏ như San Francisco.

Vì vậy, đầu năm 2020, tôi quyết định sẽ quay trở lại ngân hàng đầu tư làm việc để đảm bảo nguồn thu nhập bổ sung sau khi vợ tôi sinh con. Kế hoạch của tôi là sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ trong khoảng 2 năm để về hưu vào năm 2022. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm kế hoạch này của tôi bị sụp đổ hoàn toàn.

 

3. Chúng tôi bị mất đi khoản thu nhập từ việc cho thuê nhà

Vợ chồng tôi có 3 ngôi nhà cho thuê. Tuy nhiên sau khi có lệnh đóng cửa toàn bộ các khu nghỉ dưỡng ở Nevada vào đầu tháng 3, chúng tôi đã mất đi khoản thu nhập từ việc cho thuê khu bất động sản nghỉ dưỡng ở hồ Tahoe (khoảng 3.000 USD/ tháng). Trong khi đó chúng tôi vẫn phải trả tiền thế chấp ngân hàng gần 2.500 USD mỗi tháng!?

May mắn là 2 căn nhà cho thuê khác của chúng tôi ở thành phố San Francisco vẫn mang lại thu nhập. Tuy vậy, tình hình cũng không mấy khả quan khi người thuê nhà bắt đầu mất việc và gặp khó khăn về tài chính vì Covid-19.

 

4. Đây thực sự là một khoảng thời gian khủng hoảng với các bậc cha mẹ

Sau 8 năm về hưu sớm, tôi phát hiện ra rằng việc chăm lo cho một gia đình và những đứa trẻ dựa trên những nguồn thu nhập thụ động là rất rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh ập đến bất ngờ như hiện nay.

Cậu con trai ba tuổi tràn đầy năng lượng của tôi lúc nào cũng muốn vui chơi chạy nhảy bên ngoài. Suốt 2 tháng qua, vợ chồng tôi đã phải trấn an thằng bé rằng các công viên và khu vui chơi đang trong quá trình sửa chữa mỗi khi con tôi đòi đi ra ngoài. Bên cạnh đó, đứa con thứ 2 của tôi – mới 3 tháng tuổi, còn chưa phát triển đầy đủ hệ miễn dịch để có thể đối phó với dịch bệnh chết người này.

 

5. Chi phí của gia đình tôi tăng vọt trong giai đoạn tồi tệ này

Mọi sinh hoạt phí đều tăng vọt trong giai đoạn khó khăn này vì nhiều hàng hoá trở nên khan hiếm và bị tăng giá.

Bên cạnh đó, do vợ tôi sinh con vào đầu năm nên chúng tôi phải thuê riêng một nữ hộ tá để làm việc với bác sĩ sản khoa và trợ giúp vợ tôi trong quá trình sinh nở. Kết thúc quý đầu năm 2020, tổng chi phí sinh hoạt của gia đình tôi tăng hơn 25.000 USD so với bình thường.

Tuy vậy, chúng tôi tin rằng nền kinh tế vẫn sẽ phục hồi sau cơn khủng hoảng tài chính này, vấn đề chỉ là thời gian. Tôi cũng đang cố gắng chờ đợi thời điểm thích hợp để tìm kiếm một công việc mới và duy trì nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Theo CafeF.vn