Trao đổi với phóng viên tại buổi hội thảo với chủ đề: Bầu cử Tổng thống Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã có bình luận về tác động của hai vấn đề trên đến câu chuyện của Việt Nam.

Theo ông Phạm Quang Vinh, hai nước lớn cạnh tranh với nhau, đương nhiên tạo ra rất nhiều thách thức cho thế giới, cho khu vực và trong đó có bản thân Việt Nam. Hai là, trong cuộc cạnh tranh này có rất nhiều phức tạp, nhưng người ta cũng thấy manh nha những cơ hội cả về kinh tế và an ninh. 

“Ví dụ, người ta hay nói về kinh tế là sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng vào tạo nên những chuỗi cung ứng mới bằng những liên minh kinh tế mới. Thế thì, đón như thế nào, chơi như thế nào?” – ông Vinh đặt câu hỏi. “Hai là về an ninh, thôi thì dựa trên pháp quyền và trật tự, dựa trên luật lệ. Ông Trump hay Trung Quốc cũng phải nói vậy, và đó là cái những nước nhỏ rất cần”.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, cạnh tranh Mỹ – Trung là chiến lược, là tổng thể, chiều hướng chủ đạo là căng dần lên, có lúc lên lúc xuống, nhưng vẫn có cửa hợp tác. Nhưng cuộc chiến này vẫn có không gian ở giữa, để các nước không buộc phải đứng hẳn về bên nào trong việc lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Đây là một điểm khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh nên tạo được điều kiện để các nước nhỏ vẫn có thể hợp tác với cả hai.

“Cuộc cạnh tranh đó có tồn tại, nhưng không phân tuyến tách biệt với nhau nên vẫn còn nhiều nước khác có thể hợp tác được, nhiều tổ chức quốc tế cùng hợp tác được. Có lẽ, đây là cơ hội, vừa hợp tác với Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác rất quan trọng, vừa đa dạng hóa quan hệ cả về chính trị, cả về kinh tế” – ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, cuối cùng thì, xu hướng tiếp tục chủ nghĩa đa phương, cục diện đa cực và thúc đẩy hoạt động kinh tế, đa dạng hóa quan hệ, có lẽ trật tự dựa trên luật lệ vẫn là cái rất quan trọng cho các nước nhỏ. Lựa chọn ở đây không phải là chọn bên trên toàn tuyến. Nhưng trong mỗi vẫn đề cụ thể có lẽ có hai cái gốc để quyết đinh quyết sách: một là lợi ích quốc gia, hai là luật pháp quốc tế.

Nguyên Thứ trưởng lấy ví dụ về thương mại: “Chúng ta muốn quan hệ, ASEAN cũng muốn quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, vì không thể bỏ được ai cả. Nếu chúng ta phải xuất một mặt hàng sang Mỹ, thì từ lợi ích quốc gia của chúng ta, thích mức thuế nào, quyết định hàm lượng xuất xứ hàng hóa của Trung Quốc ở mức đó. Nhưng chắc chắn trong cuộc chiến này mà gian lận thương mại, thì mình đang từ đối tác sẽ trở thành đối tượng mục tiêu của cuộc chiến Mỹ Trung”.

Cũng rất nhiều nước trung dung trong lựa chọn công nghệ, ông Vinh lấy ví dụ Singapore, rất lưỡng lự và không muốn đứng về bên nào. Lựa chọn công nghệ của phương Tây hay của Huawei? Cuối cùng, trong cuộc này, lợi ích quốc gia ở chỗ, 5G hay trên mạng không chỉ là 5G, mà còn là hệ giá trị, hệ thông tin và những chuẩn mực, liên quan đến làm ăn và rất nhiều câu chuyện ở đây. Nhưng hai công ty lớn nhất của Singapore thì không được chọn Huawei, những công ty nhỏ vẫn được chọn vì lợi ích của họ. Đó vẫn là câu chuyện vì lợi ích quốc gia.

“Nghĩa là: Tôi chọn sản phẩm dựa trên lợi ích của chính mình, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chọn quốc gia nào hay chống lại quốc gia nào. Cái đó phải làm rất rõ”.

Còn về cuộc bầu cử nước Mỹ, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, nếu chúng ta nhìn lại chiều dài 25 năm quan hệ vừa qua, thì đà quan hệ Việt – Mỹ đã được củng cố trên một số nền tảng cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí. Với sự đổi mới, hội nhập và phát huy vai trò của mình, nhất là ở khu vực thì dù ai “lên” thì cũng đều thấy một giá trị địa chiến lược của Việt Nam. Có cả giá trị song phương, cả giá trị địa chiến lược ở khu vực này. 

Theo CafeF